Những đối tượng dễ mắc rối loạn tiền đình bao gồm:
– Người cao tuổi
– Người có cân nặng lệch chuẩn (thừa cân hoặc thiếu cân so với cân nặng chuẩn)
– Người bị thiếu máu (phụ nữ sau sinh, người bị chấn thương gây mất máu nặng,..)
– Người huyết áp thấp
– Người bị nhiễm độc hóa chất, nhiễm độc do sử dụng thuốc
– Người sử dụng quá nhiều rượu bia
– Đặc biệt theo đánh giá của một số chuyên gia, giới văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình rất cao do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động và thường xuyên tiếp xúc với máy tính, phòng lạnh kín khiến cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến tình trạng thiếu máu não, từ đó gây ra chứng rối loạn tiền đình.
3. Các loại rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình được chia làm 2 loại là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.
Rối loạn tiền đình ngoại biên là rối loạn chức năng của các cấu trúc ở tai trong hoặc của dây thần kinh số 8. Nguyên nhân của rối loạn tiền đình ngoại biên là do tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình xuất phát từ các bệnh viêm tai mạn tính, do rượu, do dùng các thuốc gây tổn thương tiền đình như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau…
Các triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên: người bệnh ở thể nhẹ sẽ thấy chóng mặt thoáng qua trong một thời gian ngắn, khi thay đổi tư thế hoặc khi lắc đầu. Ở thể nặng hơn, người bệnh không thể đi đứng được, không thể thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, kèm theo chóng mặt, buồn nôn, ù tai, giảm thính lực, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, …
Rối loạn tiền đình trung ương là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não. Nguyên nhân rối loạn tiền đình trung ương là do sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não.
Triệu chứng rối loạn tiền đình trung ương là: ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ như mất ngủ, người mệt mỏi. Người bệnh đi đứng khó khăn. Nếu thay đổi tư thế sẽ thấy chóng mặt, choáng váng, kèm theo đau đầu, buồn nôn. Nhiều người bị mất thăng bằng, dễ ngã. Giai đoạn bệnh nặng, người mắc rối loạn tiền đình trung ương chỉ nằm được ở một tư thế, không thể ngồi dậy, mở mắt sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn.
4. Điều trị và phòng tránh rối loạn tiền đình như thế nào?
Đối với người mắc rối loạn tiền đình, bác sĩ sẽ dựa vào các nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị thích hợp. Tùy theo các triệu chứng, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc điều trị thông qua luyện tập…
Để phòng tránh rối loạn tiền đình bạn nên:
– Tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học.
– Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô.
– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
– Thực hiện liệu pháp chức năng tiền đình. Tập các bài tập phối hợp đầu, cơ thể và mắt để rèn luyện não bộ nhằm giúp nhận biết, xử lý, phối hợp hoạt động các tín hiệu từ hệ tiền đình.
– Nếu người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh về xơ vữa mạch, cần điều trị tốt tất cả các nguyên nhân có thể dẫn đến chóng mặt, nguy hiểm đến tính mạng.
– Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
– Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
– Giảm các lo âu, căng thẳng bằng cách tham gia các hoạt động tập thể.
– Khám sức khỏe định kỳ.