Toàn thế giới đang trong cuộc đua ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng và đồng thời thúc đẩy nghiên cứu vaccine và các liệu pháp điều trị mới nhằm khống chế chủng virus mới này.
Làm cách nào để tiêu diệt virus?
Vì virus không được coi là một thực thể sống, do đó muốn virus không gây bệnh được nữa chỉ còn cách phá hủy cấu trúc của chúng. Phương pháp chúng ta có từ trước đến nay là bất hoạt virus dựa vào hệ miễn dịch của con người, song song với sự hỗ trợ của vaccine và các thuốc kháng virus.
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, các bệnh nhân Covid-19 khi nhập viện đều được điều trị theo triệu chứng. Việc tìm ra thuốc điều trị và vaccine đang là yêu cầu cấp bách trước diễn biến ngày càng khó kiểm soát hiện nay. Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua tạo ra vaccine khi các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, mới chỉ có Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia đầu tiên thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người.
Ngày 16/03/2020, vaccine Covid-19 đầu tiên được phát triển ở Mỹ có tên mRNA-1273 đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên 45 tình nguyện viên khỏe mạnh. Vaccine này chứa mã di truyền vô hại được sao chép từ virus gây bệnh, đây là thử nghiệm đầu tiên trên người do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ.
Jennifer Haller (trái) – người đầu tiên tiếp nhận mũi vaccine phòng Covid-19 thử nghiệm lâm sàng trên người
Sau đó 2 ngày, vào ngày 18/03/2020, vaccine Ad5-nCoV do công ty sản xuất vaccine toàn cầu Cansino Biologics tại Hong Kong phối hợp Viện Kỹ thuật Sinh học, Viện nghiên cứu Quân y Trung Quốc sản xuất được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người tại Trung Quốc.
Mặc dù vaccine đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là hướng phát triển trong công cuộc đẩy lùi Covid-19 của thế giới, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, việc thử nghiệm, cấp phép và đưa ra thị trường một loại vaccine hiệu quả có thể tốn thời gian từ 12 tới 18 tháng hoặc thậm chí còn lâu hơn.
Một hướng nghiên cứu khác song song với điều chế vaccine, đó là tìm ra loại thuốc kháng virus. Ngày 27/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo việc tiến hành thử nghiệm 4 loại thuốc riêng biệt hoặc phối hợp để chống lại Covid-19, gồm có Remdevisir (từng được thử nghiệm điều trị Ebola, chưa lưu hành trên thị trường); Hydroxychloroquine hoặc Chloroquine (thuốc sốt rét); Ritonavir và Lopinavir (thuốc ức chế HIV); Ritonavir, Lopinavir và Interferon Beta (thuốc trị viêm phổi). Trong đó, Công ty Dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ) đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với thuốc Remdevisir vào ngày 2/4 vừa qua.
Cùng với thế giới, Chính phủ Nhật Bản và các tập đoàn y tế lớn nước này cũng đang trong cuộc chạy đua phát triển các sản phẩm có khả năng khống chế đại dịch. Điển hình trong số đó là phát hiện khả năng điều trị hiệu quả Covid-19 của một loại thuốc đặc trị cúm của Nhật Bản là Avigan, loại thuốc có chứa hoạt chất kháng virus Favipiravir.
Thuốc cúm Avigan của Nhật Bản đang chứng tỏ hiệu quả đối với các triệu chứng liên quan đến virus SARS-CoV-2
Avigan được cấp phép lưu hành tại Nhật Bản từ năm 2014, và đã được thử nghiệm lâm sàng hiệu quả trên bệnh nhân Ebola trong cùng năm. Ngày 28/3, Thủ tướng Shinzo Abe ra thông báo Nhật Bản bắt đầu quy trình chính thức sử dụng thuốc Avigan như hướng dẫn điều trị chuẩn trong điều trị Covid-19. Song song đó, từ đầu tháng 4/2020 Avigan sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Tokyo.
Trước đó, kết quả một công trình nghiên cứu thử nghiệm trên 320 bệnh nhân tại Trung Quốc đã cho thấy thuốc Avigan tỏ ra hiệu quả trong việc chữa trị các ca nhiễm Covid-19, kể cả viêm phổi, và không có tác dụng phụ đáng kể. Ngày 7/4 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bắt đầu thử nghiệm đầu tiên đối với Avigan trong điều trị Covid-19, thử nghiệm tiến hành tại ba bệnh viện ở bang Massachusetts.
Hiện đã có khoảng 30 nước thông qua các kênh ngoại giao để đề nghị mua thuốc Avigan từ Nhật Bản, điển hình trong số đó là Indonesia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ,…
Phát hiện hướng điều trị mới Covid-19
Mới đây FDA đã chấp thuận cho thử nghiệm liệu pháp dựa trên tế bào gốc trong điều trị Covid-19. Liệu pháp này sử dụng các tế bào Natural Killer (NK) có mã CYNK-001, một dạng tế bào bạch cầu được phát triển từ tế bào gốc máu CD34+ trong nhau thai người. Trong lần thử nghiệm này, những bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng của Covid-19 hoặc có nguy cơ bệnh diễn biến nặng hơn, sẽ được truyền CNYK-001 vào tĩnh mạch để tăng cường đáp ứng miễn dịch với virus. CNYK-001 sau khi vào cơ thể sẽ hạn chế sự sao chép của virus SARS-CoV-2 cũng như ngăn cản tiến triển bệnh bằng cách loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã thể hiện sự kỳ vọng của mình vào liệu pháp này, cho rằng tế bào gốc thực sự có tiềm năng trong cuộc chiến chống lại virus.