Khi sinh sống ở nước ngoài, ứng phó với bệnh tật là một vấn đề hầu hết mọi người đều quan tâm. Tác giả đã từng đi khám bệnh và chữa bệnh tại cả phòng khám (clinic) lẫn bệnh viện (hospital) ở Nhật, kết hợp thêm những kinh nghiệm được truyền đạt từ bạn bè và người quen bên này, có một vài điều chia sẻ với các bạn về khám chữa bệnh ở Nhật Bản.

I. Chọn bệnh viện hay phòng khám?
Ở Nhật có 2 hình thức cơ sở y tế chính là bệnh viện và phòng khám. Bệnh viện thì có quy mô lớn hơn, có nhiều chuyên khoa hơn, cơ sở vật chất máy móc thiết bị phong phú hơn, thuốc cũng được bán trực tiếp trong bệnh viện. Các phòng khám thì có nhiều và tiện đi lại hơn khi hầu như ở mỗi khu dân cư đều có một vài phòng khám, ngoài ra làm thủ tục ở phòng khám thì nhanh gọn và dễ dàng hơn cho việc theo dõi các loại bệnh phải tái khám thường xuyên. Tùy vào loại bệnh và tình trạng bệnh tật cũng như địa điểm sinh sống mà bạn có thể chọn đi bệnh viện hay phòng khám. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến từ các phòng y tế nơi bạn làm việc hoặc học tập. (Các phòng y tế như thế này thường chỉ khám qua được cho bạn, cung cấp các loại thuốc cảm sốt và đưa ra tư vấn để chọn phòng khám bệnh viện).
Chọn phòng khám nếu: bệnh của bạn ở mức nhẹ, bệnh đơn giản (ốm, sốt, dị ứng, chữa răng, khám mắt,…), bệnh cần tái khám thường xuyên. Thường thì bạn nên chọn phòng khám trước và bác sĩ tại phòng khám sẽ tư vấn bạn nên đi bệnh viện khi cần trị liệu phức tạp hơn.
Chọn bệnh viện nếu: các trường hợp cấp cứu hay phẫu thuật (gãy chân tay, mổ ruột thừa,…), các trường bệnh phức tạp hoặc cần nằm viện lâu.
Chất lượng y tế của Nhật thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, việc đào tạo bác sĩ ở Nhật cũng khá khắt khe nên bạn có thể yên tâm về chất lượng khám chữa bệnh ở hầu hết các cơ sở y tế của Nhật. (Bạn bè người Nhật của tác giả học ở khoa Y đại hoc Kyoto cho biết chương trình đào tạo của trường rất kỹ, được thực tập nhiều và việc học rất nghiêm túc)
Nếu bạn thành thạo tiếng Nhật thì việc tìm kiếm phòng khám bệnh viện khá đơn giản vì bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy các bệnh viện, phòng khám xung quanh nhà.

II. Chuẩn bị gì khi đi khám bệnh và chữa bệnh
Có một vài thói quen cần thiết khi đi khám chữa bệnh tại Nhật:
– Ghi nhớ số điện thoại cấp cứu 119.
– Nên hẹn trước ngày giờ khám. Nếu không hẹn trước mà đi trực tiếp đến phòng khám thường phải chờ một vài tiếng đồng hồ, khi đến phòng khám bạn phải rút vé chờ và chờ tại phòng khám. (các phòng khám thường có truyện tranh và báo cho những người ngồi chờ).
– Giấy tờ cần mang theo: về cơ bản thì chỉ cần bảo hiểm y tế. Nhưng vẫn nên mang theo một số giấy tờ xác minh nhân thân phòng khi cần thiết. Không nên quên bảo hiểm y tế vì chi phí khám bênh sẽ rất cao nếu bạn quên bảo hiểm. Ngoài ra bảo hiểm y tế cũng giúp giảm giá khi mua thuốc tại nhà thuốc.
– Chuẩn bị một số từ vựng về bệnh tật để tiện việc trao đổi với bác sĩ.
– Chuẩn bị tiền mặt. Tiền khám chữa sẽ tùy theo bệnh nhưng bạn nên mang hơn 1 man để đề phòng.
– Nên có bạn bè hoặc người thân đi cùng trong trường hợp bênh nặng.

III. Sau khi khám bệnh
Nên lưu lại đơn thuốc để tiện cho việc theo dõi bệnh tật và dùng cho việc tái khám hoặc khám tại chỗ khác. Sau khi khỏi bệnh vẫn nên kiểm tra một lần nữa để đảm bảo chắc chắn. Bạn có thể liên lạc thêm với tòa thị chính hoặc cơ sở y tế trong trường học, cơ quan để nhận thêm hỗ trợ về tiền bạc. (có trường hợp được hỗ trợ đến hơn 90% chi phí).

IV. Trải nghiệm tại các phòng khám, bệnh viện
Các cơ sở y tế ở Nhật rất sạch sẽ và yên tĩnh, không có mùi rác thải y tế như bệnh viện ở Việt Nam. Y tá ở Nhật rất nhiệt tình, thân thiện và lịch sự; bạn của tác giả khi phẫu thuật chân được trợ giúp tận tình ngay cả khi đi vệ sinh. Ấn tượng nhất với tác giả là khi đi tái khám, tác giả được nhân viên  thu ngân tại phòng khám cúi người xin lỗi và đưa lại một phong bì tiền đền bù do tính nhầm chi phí trong lần khám trước. Số tiền không lớn nhưng hành nó thể hiện được sự tự trọng và chuyên nghiệp của người Nhật.

Chúc các bạn luôn luôn khỏe mạnh.